Ông giám đốc “say” công nghệ thông tin

 Thúy Hà

 Tạp chí Công Thương
 10:36 SA @ Thứ Năm - 16 Tháng Tám, 2018

Còn rất nhiều điều muốn hỏi, muốn biết, nhưng quay sang đã thấy ông bấm đốt đầu ngón tay một hồi, rồi như sực tỉnh, tưởng như mình vừa “phát hiện” ra điều gì ghê gớm lắm: Này, hóa ra chỉ còn mỗi tỉnh Cà Mau tôi chưa qua được thôi! Hồn nhiên như thế, chỉ có thể là người “say” công nghệ thông tin như một “định mệnh” - Giám đốc Piacom Phan Thanh Sơn.

Tìm ra giá trị cốt lõi

Ngày 8/8/2008, cả thế giới đang hướng về Bắc Kinh, nơi diễn ra Thế vận hội Olympic mùa hè, 4 năm mới có 1 lần. Nhưng ông Phan Thanh Sơn, người vừa nhận bàn giao chức vụ giám đốc Công ty CP Tin học - Viễn thông Petrolimex (Piacom) trong ngày 8/8 năm ấy, chẳng còn lòng dạ nào nghĩ đến Lễ khai mạc hoành tráng, đến lễ rước đuốc cuồng nhiệt, đến Sân vận động Tổ chim độc đáo...

Trong lòng ông ngổn ngang một cảm giác khó tả, vinh dự vì được lãnh đạo giao nhiệm vụ quan trọng, điều hành doanh nghiệp, nhưng lo lắng vì hàng núi công việc đang chờ đón do Piacom đang rơi vào tình trạng hết sức khó khăn, công ty đang bế tắc về định hướng và tinh thần anh em rất xuống thấp, nhiều lao động rời bỏ công ty...

Nhưng thật may mắn, cùng làm việc với ông còn có bà Đàm Thị Huyền, Phó Tổng giám đốc Petrolimex giữ vị trí Chủ tịch HĐQT (sau này là Phó Tổng giám đốc Trần Ngọc Năm), bà Đặng Thị Hồng Hà, thành viên Ban kiểm soát Tổng công ty, Trưởng ban kiểm soát công ty và các ông Hoàng Hải Đường, Vũ Hoàng Liên là những thành viên HĐQT ngoài Petrolimex đã có nhiều kinh nghiệm kinh doanh trên thương trường.

Việc đầu tiên Ban lãnh đạo Piacom phải làm là truy tìm nguồn gốc của những khó khăn công ty đang gặp phải. Qua xem xét gần 20 dự án còn dang dở, Ban lãnh đạo công ty đi đến nhận định, có 2 nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất, đó là quy luật “giai đoạn khủng hoảng các năm đầu” của các đơn vị mới thành lập; nhất là đang từ một đơn vị ứng dụng (Trung tâm Tin học và Tự động hóa Petrolimex) chuyển sang kinh doanh. Về mặt năng lực, Petrolimex rất mạnh về kinh doanh xăng dầu và ứng dụng công nghệ, nhưng kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ không phải là thế mạnh; đây lại là công nghệ thông tin thì càng không phải là thế mạnh. Do vậy, công ty không kế thừa được các kinh nghiệm quản lý kinh doanh trong lĩnh vực này.

Từ đó, nảy ra nguyên nhân thứ hai, Piacom lúc ấy chưa xây dựng được chiến lược phát triển, hàng loạt câu hỏi chưa có lời giải: năng lực cốt lõi của công ty là gì? lựa chọn thị trường nào? sản phẩm gì? nên... ai đặt hàng cái gì làm cái đó. Sản phẩm làm theo kiểu may đo, khó thương mại hóa. Nhìn nhận ra nguyên nhân rồi, ban lãnh đạo cũng xác định được thế mạnh của anh em là kinh nghiệm quản lý xăng dầu. Từ đó, phác họa ra được giá trị cốt lõi của Piacom, định vị ra chiến lược của Piacom là Cung cấp giải pháp quản lý doanh nghiệp ngành xăng dầu.

Trong khí thế đang lên, ai cũng tâm đắc và hăm hở với chiến lược mới, nhưng công việc cấp bách nhất lúc ấy là “dọn dẹp dự án” tức là tìm cách hoàn thiện những dự án còn dang dở. Bởi lẽ, nhiều khách hàng cảm thấy chán nản, mất lòng tin; đã là dự án tự động hóa thì yêu cầu đầu tiên phải chính xác, ổn định, thế nhưng để kéo dài như vậy phát sinh chi phí, “mệt mỏi” cho cả khách hàng và nhà thầu.

Đột phá bằng sự chuyên nghiệp

Đến cuối 2008, tổng kết lại, Piacom… lỗ. Mặc dù vậy, tinh thần anh em khá phấn chấn, vì cái “nặng chình chịch” trong đầu là chiến lược phát triển thị trường, phát triển sản phẩm đã được làm rõ; cùng với việc xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng, giải phóng vốn, lấy lại niềm tin trong khách hàng.

Đầu 2009, ông cùng ban lãnh đạo xây dựng cơ chế kinh doanh mới. Trước kia, Piacom áp dụng mô hình khoán cho các nhóm. Anh em tự tìm việc, tự lên giải pháp, tự triển khai, nên Công ty không quản lý được sản phẩm, không kiểm soát được chất lượng. Đây chính là nguyên nhân làm các dự án kéo dài, hiệu quả thấp.

Cơ chế kinh doanh mới, tổ chức kinh doanh theo hướng tập trung theo 3 bước. Bước 1. Phòng dự án của Piacom - đầu mối xúc tiến các dự án tiếp cận khách hàng. Bước 2. Phòng dự án phối hợp cùng bộ phận kỹ thuật đề ra giải pháp, giới thiệu cho khách hàng, đi đến ký hợp đồng. Bước 3. Giao lại cho các phòng triển khai. Như vậy công tác kinh doanh tập trung tại Phòng dự án, giúp Piacom kiểm soát được tiến trình cũng như chất lượng dự án.

Việc tổ chức kinh doanh theo cơ chế mới dù mới chập chững nhưng đã mang lại kết quả bước đầu. Năm 2009 lần đầu tiên Piacom có lãi sau 6 năm CPH, được Chủ tịch HĐQT Đàm Thị Huyền “tặng” cho danh hiệu: “Lần đầu tiên Piacom lên khỏi mặt đất”.

Bước tiến đầu tiên bao giờ cũng mang lại cho chúng ta cảm giác hài lòng. Nhưng đến giờ, khi kể lại, ông Sơn bảo, nói thực lúc đó ông lo lắm, Piacom vẫn chưa hết khó khăn. Nhiều lúc trong cuộc họp ông vẫn động viên tinh thần anh em, nhưng là người đứng đầu, ông biết rõ cái thế và lực của Piacom. Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin - tự động hóa nhưng thị trường “ngách” của Piacom chỉ nằm gọn trong ngành xăng dầu, vốn ít, lại có sự cạnh tranh rất cao; muốn tiến nhanh chỉ có cách đột phá bằng sự chuyên nghiệp.

Vì thế, trong lúc tiết kiệm từng đồng, dành cho đầu tư để giữ vững nhịp độ phát triển, cho xúc tiến dự án, cho mở rộng thị trường, khách hàng, cho đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật nghiệp vụ... năm 2010, Piacom vẫn bấm bụng dùng nguồn lực không nhỏ xây dựng và phát triển hệ thống ISO ròng rã 1 năm trời. Có khoảng 70 quy trình gồm cả mô hình triển khai dự án, quy trình mua sắm tài sản, mua sắm vật tư, quy trình bán hàng... được xây dựng xoay quanh cơ chế kinh doanh.

ISO 9001:2008 bắt đầu vận hành từ năm 2011 đã trở thành công cụ triển khai dự án, thương mại hóa sản phẩm một cách chuyên nghiệp. Sản phẩm đầu tay khi sử dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 của Piacom là công trình tự động hóa Kho bể K131 của Công ty Xăng dầu B12. Trước đây, 1 kho có quy mô tương tự mất khoảng 9 tháng, nay triển khai trong 3 tuần, được chủ đầu tư và ông Trần Văn Thịnh, lúc đó là Phó tổng giám đốc Petrolimex đến dự nghiệm thu đánh giá cao.

ISO 9001:2008 giúp Piacom, bằng kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực Công nghệ thông tin quản lý ngành Xăng dầu, từ việc chỉ cung cấp sản phẩm và dịch vụ trong nội bộ Petrolimex, đã mở rộng cung cấp giải pháp cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác tại thị trường Việt Nam với tỷ lệ từ 20-30% doanh số; nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn trong nước đã trở thành khách hàng của công ty như công ty TNHH Hải Linh, công ty TNHH MTV Sài Gòn Petro, công ty TNHH Petro Bình Minh, công ty Dầu khí Ninh Bình, công ty TNHH Castrol BP Petco, công ty Sonadezi Long Thành, PVOIL.

Đặc biệt Piacom đã mở rộng hoạt động sang thị trường nước ngoài, bắt đầu xuất khẩu phần mềm và dịch vụ tại thị trường Lào và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến tại thị trường Campuchia và Myanmar.

Sự chuyên nghiệp giúp của Piacom cho ra đời hàng loạt sản phẩm mới, với sự quản lý dự án hiệu quả: Phần mềm quản trị nguồn lực doanh nghiệp (SAP-ERP); Dự án cung cấp và triển khai phần mềm quản lý hệ thống CHXD (EGAS); tích hợp hệ thống giao nhận tuyến ống (micromotion) cho Công ty xăng dầu B12; Tự động hóa phối trộn nhiên liệu sinh học tại Tổng kho Nhà Bè, Tổng kho Đức Giang; Kho K130 - Công ty xăng dầu B12; phần mềm quản trị nguồn lực doanh nghiệp cho Công ty xăng dầu quốc gia Lào…và nhiều dự án khác đã giúp thay đổi phong cách quản lý ở các doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động, nâng cao tính minh bạch và văn minh trong kinh doanh xăng dầu, được khách hàng đánh giá cao.

Như một “định mệnh”

Từ lúc đi học cho đến 20 năm đi làm sau khi ra trường, chưa bao giờ ông Sơn nghĩ mình sẽ giữ vị trí lãnh đạo ở một công ty chuyên ngành công nghệ thông tin. Bởi ông được đào tạo ở trường Đại học Tài chính. Ra trường, ông lần lượt trải qua các đơn vị: Ban liên hiệp xã, Sở Công nghiệp, Sở Giao thông, Công ty xăng dầu Vĩnh Phú, rồi chuyển về Tổng công ty Xăng dầu (nay là Tập đoàn Xăng dầu). Chủ yếu ông làm việc trong lĩnh vực Tài chính Kế toán.

Nhưng công nghệ thông tin với ông như một “định mệnh”. Năm 1993, ông đang làm ở Xăng dầu Vĩnh Phú thì cử đi học phổ cập công nghệ thông tin. Qua lần đầu tiên tiếp cận, với khoảng chục câu lệnh của hệ quản trị dữ liệu Foxpro, ông đã thấy ứng dụng của công nghệ thông tin thật tuyệt vời. Sau khóa học 3 tuần, ông nghĩ ngay đến chuyện làm sao mà đưa công nghệ thông tin vào công tác kế toán. Năm 92-93 Tổng công ty cho ra đời sản phẩm PIS (Petrolimex Information System) thì sau này ông cũng phát triển phần mềm dựa trên nền tảng PIS mà ông gọi là PIS_OPEN nhằm khai thác dữ liệu phục vụ công tác quản trị của doanh nghiệp.

Nghĩa là suốt 20 năm làm cái nghề kế toán, ông dành rất nhiều thời gian cho ứng dụng công nghệ thông tin. Say mê công nghệ thông tin, nên khi về Piacom ở cương vị lãnh đạo, không chỉ cùng các phòng ban phân tích đánh giá năng lực cốt lõi để xây dựng định hướng kinh doanh về thị trường, sản phẩm; cải tiến để hợp lý hóa mô hình tổ chức kinh doanh; hoàn thiện chính sách phân phối thu nhập cho người lao động; minh bạch hóa hệ thống lợi ích, cải thiện môi trường làm việc tạo động lực cho người lao động; ông còn trực tiếp tham gia xây dựng sản phẩm và triển khai các dự án trọng điểm như xây dựng phần mềm quản lý cửa hàng bán lẻ xăng dầu (EGAS) và triển khai thành công trên 2.664 cửa hàng tại hơn 40 Công ty xăng dầu thuộc Tập đoàn; Triển khai thành công các dự án Tự động hóa kho xăng dầu cho các đơn vị trực thuộc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, Công ty Sài gòn Petro, Công ty TNHH Hải Linh; triển khai đầu tư sản phẩm phần mềm quản trị nguồn lực doanh nghiệp PIACOM-ERP; Triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống đánh giá hiệu suất công việc (KPI) và hệ thống khung năng lực lõi (CCF); Ứng dụng thành công Phần mềm hệ thống thông tin PIACOM...

Là giám đốc Công ty, trên 50 tuổi đời, những năm 2013-2015 ông vẫn mải miết lên đỉnh đầu Tổ quốc Hà Giang, hay cùng anh em triển khai hệ thống EGas ở Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Bình, Quảng Trị… Có hôm làm xuyên đêm, đến 4h sáng mới kết nối xong tại CHXD số 4 của Petrolimex Khu vực II. Nghe xong tôi không thể không buột miệng hỏi: Là giám đốc sao anh phải đi đến tận nơi? Ông hồn nhiên bảo, mình cũng muốn xem thực tế, với lại để đối tác thấy tự động hóa không quá phức tạp đến mức e ngại triển khai.

Ông không nói ra, nhưng tôi biết còn 1 yếu tố nữa, vì ông là giám đốc, có quyền quyết mọi chuyện khi có phát sinh. Qua những lần công tác như thế, ông thấy được những cái bất hợp lý, cần phải điều chỉnh. Như cái tủ EgasControlder để kết nối tất cả các hệ thống tại CHXD, lúc đầu dày đến độ phải đục tường gắn vào, về sau cải tiến thành Version Iphone 5, mỏng hơn, nhỏ hơn và cơ động hơn. Hay những cải tiến rất đơn giản như lắp thêm rơ le nhiệt cho tủ điều khiển cũng đến từ những chuyến đi mắt thấy, tai nghe. Quan trọng hơn cả, những chuyến đi giúp ông và anh em tìm ra phương án hợp tác với các Petrolimex thành viên, đào tạo các nhân viên trở thành lực lượng sau này là người triển khai và vận hành hệ thống EGas tại các CHXD. Nên chỉ trong vòng đúng 2 năm, chỉ có 15 người trực tiếp thực hiện nhưng Piacom đã triển khai xong tại 2.664 CHXD trong hệ thống, một kỷ lục vô tiền khoáng hậu.

Còn rất nhiều điều muốn hỏi, muốn biết, nhưng quay sang đã thấy ông bấm đốt đầu ngón tay một hồi, rồi như sực tỉnh, tưởng như mình vừa “phát hiện” ra điều gì ghê gớm lắm: Này, hóa ra chỉ còn mỗi tỉnh Cà Mau tôi chưa qua thôi!

Mải miết làm, mải miết đi, trên 50 tuổi bỗng “phát hiện” ra cái điều mà chỉ cần một anh nhân viên văn phòng thống kê ra là được - Đó chỉ có thể là người “say” công nghệ thông tin như một “định mệnh” - Giám đốc Piacom Phan Thanh Sơn.