Lưu Phương Thảo
Chúng tôi, những đoàn viên thanh niên Công ty cổ phần Tin học Viễn thông Petrolimex (PIACOM), tạm gác lại những bận rộn công việc hàng ngày, lo toan gia đình đến với các em học sinh vùng cao trong những ngày vừa qua. Vượt hàng trăm cây số đường trường, hàng chục cây số đường rừng, băng qua các con suối, ngọn dốc, chúng tôi tìm đến các ngôi làng, các ngôi trường xa xôi, hẻo lánh, còn rất khó khăn vừa bị thiên tai lũ quét tại Mù Cang Chải thuộc tỉnh Yên Bái và Mường La thuộc tỉnh Sơn La.
Lũ quét cuốn hết nhà cửa, vật nuôi, san phẳng những quả đồi |
Ba ngày sau chuyến từ thiện trở về Hà Nội, trong tâm trí tôi vẫn luôn hằn sâu những mất mát mà người dân gặp phải sau cơn lũ tàn khốc, đó là hình ảnh dòng nước lũ dưới các con suối, triền dốc vẫn chảy cuồn cuộn, những ánh mắt thất thần của bà con, những bờ tường các ngôi nhà còn sót lại, những đoạn bờ kè bị nước lũ ngoàm sâu hàng chục mét, những đoạn bờ bị lũ xói sâu hở hàm ếch và còn nhiều cảnh tượng hoang tàn thương tâm khác không thể nói thành lời…Chúng tôi không khỏi xót lòng. Thương cho những người dân tần tảo, giờ nhà bị cuốn trôi, nền đất không còn. Thương cho những em thơ lại thao thức mất ngủ vì không biết khi nào mới được trở lại trường.
Trận lũ quét lịch sử vừa qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của bà con miền núi phía bắc Việt Nam ta nói chung của đồng bào Mù Cang Chải và Mường La nói riêng. Nhưng chính trong cơn hoạn nạn, tình người, truyền thống, đạo lý “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân” của dân tộc ta một lần nữa được tô thắm.
Những ngôi nhà tạm đã được chính quyền, thanh niên tình nguyện dựng lên giúp bà con miền sơn cước
Trên đường đi, chúng tôi thấy nhiều ngôi nhà vách gỗ đang được hàng chục các cán bộ chiến sĩ cảnh sát, bộ đội biên phòng, thanh niên tình nguyện cùng bà con khẩn trương tháo dỡ, di chuyển đến khu vực có nền đất cao hơn. Hàng nghìn người trực tiếp tham gia tìm kiếm cứu nạn. Chưa bao giờ câu nói “qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau” lại được cảm nhận sâu sắc như trong những ngày này, tình người nơi hoạn nạn được dâng cao, tinh thần tập thể, tình dân tộc được phát huy.
Hưởng ứng phát động của đoàn thanh niên Petrolimex, đoàn thanh niên PIACOM chúng tôi "của ít lòng nhiều" đồng lòng trích từ lương của mỗi đoàn viên thanh niên góp một phần công sức nhỏ bé của mình gửi đến các em học sinh nơi vùng lũ quét Mù Cang Chải và Mường La.
Tại điểm tiếp nhận cứu trợ của UBND địa phương, chúng tôi thấy, nhiều đoàn cứu trợ đến đây thăm hỏi, tặng quà, sẻ chia với những khó khăn, mất mát của bà con.
Những sắc xanh của màu áo đoàn viên, thanh niên tình nguyện, sắc xanh của màu áo dân quân tự vệ cùng với hình ảnh của đông đảo các cô, các bác vẻ mặt bồn chồn, lo lắng đến từ các địa phương nơi đây khiến ai thấy cũng đều cảm động không nói thành lời. Mọi người đến đây để “mỗi người một tay”, cùng vận chuyển lương thực, thực phẩm tới các địa bàn đang bị chia cắt giao thông, đang bị dòng nước lũ cản trở. Dọn dẹp hậu quả của lũ để lại tránh những hệ lụy về dịch bệnh sau lũ.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hàng nghìn lượt đoàn viên thanh niên tham gia công tác khắc phục hậu quả sau lũ trên địa bàn.
Tôi có hỏi một chị tại địa phương, được chị cho biết thanh niên tình nguyện và các cán bộ sẽ hỗ trợ bà con đến khi nào cơn lũ qua, khắc phục được phần nào hậu quả của lũ, để bà con lại trở lại cuộc sống bình thường.
Ở nơi “rốn lũ” này còn nữa những câu chuyện, những hình ảnh đẹp thắm tình người mà chúng tôi không thể kể hết được. Trong cơn hoạn nạn, ai cũng vậy, mỗi người dân Việt lại hướng về nhau.
Đoàn chúng tôi đến mỗi trường chỉ có chút thời gian ngắn ngủi, nhưng các em học sinh, các thầy cô giáo, người dân địa phương nơi đây quý mến, coi chúng tôi như những người ruột thịt. Gặp chúng tôi, mọi người ai nấy đều như òa khóc, như gặp người thân chia sẻ những mất mát đau thương mà trận lũ kinh hoàng đã gây ra. Họ chia sẻ cảnh nhìn người thân yêu, cảnh tài sản, vật nuôi... bị dòng lũ cuốn đi mà bất lực... Khi chia tay chúng tôi, các em học sinh, các thầy cô cũng như những người dân nơi đây cứ quyến luyến chúng tôi không muốn rời ra. Cả chủ lẫn khách ai cũng rưng rưng ứa lệ. Dù xe đã đi xa, nhưng ánh mắt các em vẫn cứ bám riết lấy chúng tôi. Những ánh mắt đau thương, vừa thân thương trìu mến, vừa thiết tha gửi gắm bao niềm hy vọng lẫn niềm biết ơn những tấm lòng hảo tâm đã giúp đỡ họ trong lúc khó khăn hoạn nạn.
Dù đã đi nhiều nơi, đến thăm nhiều trường vùng cao, nhưng chuyến đi này đã đọng lại trong chúng tôi những dấu ấn khó phai. Sự kỳ vọng của các em vừa là một nguồn động viên, nhưng cũng là một lời nhắc nhở chúng tôi phải luôn làm hết sức mình, phải cố gắng hơn nữa để giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn nữa.
Về tới thủ đô Hà Nội thân yêu, chạnh lòng nghĩ đến những khó khăn vất vả nơi vùng sâu vùng xa gặp thiên tai hoạn nạn, chúng tôi thấy mình cần sống có trách nhiệm hơn, tình thương yêu đồng loại trong người được nhân thêm, lòng nhân ái ùa vào tràn ngập. Ai ai cũng thấy mình cần phải làm một cái gì đó để các học sinh vùng sâu vùng xa đỡ vất vả hơn, để các em “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”, để góp sức mình thực hiện lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ muôn vàn kính yêu “Vì lợi ích trăm năm trồng người”.